Tín dụng năm 2012 sẽ tác động nhiều lĩnh vực

12 năm trước 10:30 17/02/2012
Tín dụng sẽ không có điều kiện để tăng trưởng nóng, tức nhu cầu vốn của các ngân hàng sẽ giảm, tác động tích cực đến việc giảm lãi suất

 

Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động NH an toàn, hiệu quả. Điểm khác biệt của chính sách này so với chính sách tín dụng năm 2011 là NH Nhà nước căn cứ vào năng lực, quy mô hoạt động của từng NH để giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay theo 4 nhóm. Trong đó, nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 15%, nhóm 3 8%. Riêng nhóm 4 (nhóm các NH có biểu hiện mất an toàn) không được tăng trưởng tín dụng.

Tác động đến lãi suất

Lãnh đạo nhiều NH thương mại cho rằng NH Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm NH là phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, NH Nhà nước không khuyến khích cho vay tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán sẽ làm cho vốn đến đúng địa chỉ, góp phần ổn định lạm phát ở mức thấp; từ đó mở ra điều kiện cần cho lãi suất đi xuống.

Theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), việc NH Nhà nước ấn định tỉ lệ dư nợ cho vay sẽ làm cho tín dụng không có điều kiện tăng trưởng nóng, tức nhu cầu vốn của các NH sẽ giảm, làm triệt tiêu hiện tượng phá rào trần lãi suất tiết kiệm, tác động tích cực đến việc hạ lãi suất. “Lãi suất sẽ giảm vào giữa quý II/2012 và đến cuối năm, lãi suất tiết kiệm có thể sẽ xuống còn 11%-12%/năm, lãi suất cho vay phổ biến 15%-16%/năm”- ông Phước dự báo.

Thị trường nhà đất sẽ tiếp tục khó khăn về vốn. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan ngại là vì mục tiêu lợi nhuận, các NH sẽ mạnh tay cho vay hết hạn mức tín dụng, có thể làm nợ xấu tăng lên nhanh chóng, ảnh hưởng đến nguồn vốn ra vào (thanh khoản) của hệ thống NH. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng do lãi suất còn cao, NH không nới lỏng điều kiện vay, bên vay tiền cũng hết sức thận trọng nên một số NH được tăng trưởng tín dụng khá chưa chắc sử dụng hết hạn mức cho vay.

Phó tổng giám đốc một NH quy mô nhỏ cho rằng hạn mức tín dụng được cấp ở mức thấp sẽ gắn liền với lợi nhuận thấp, bởi đầu ra của các NH nhỏ chủ yếu là cho vay. Vì thế, không ít NH sẽ đối mặt áp lực cổ tức, tính thanh khoản cổ phiếu của NH đó sẽ sụt giảm.

Khó cho chứng khoán, nhà đất

Số liệu của NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho thấy: Năm 2011, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 753.760 tỉ đồng. Về mặt lý thuyết, với định hướng tăng trưởng tín dụng 15% - 17% thì năm 2012, tổng dư nợ cho vay tối đa của TPHCM khoảng 881.000 tỉ đồng.

Theo Chỉ thị 01, dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) tối đa là 16%/tổng dư nợ cho vay. Tính ra, dư nợ cho vay tối đa của các lĩnh vực này trong năm 2012 trên địa bàn TPHCM sẽ là 141.000 tỉ đồng. Thế nhưng, do dư nợ cho vay bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng của năm 2011 đã đạt gần 137.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 18,5% tổng dư nợ cho vay năm 2011) nên số tiền mà các NH ở TPHCM cho vay chứng khoán, bất động sản sẽ rất ít.
Trong khi đó, nhu cầu vốn của thị trường bất động sản, chứng khoán rất lớn và gần như đều là vốn vay NH. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng chính sách tín dụng cho bất động sản, chứng khoán gần như không thay đổi so với năm trước nên hai thị trường này sẽ chuyển động không đáng kể.

Một số ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán, bất động sản chỉ có thể kỳ vọng việc kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, lạm phát ổn định, lãi suất đi xuống… sẽ kích thích nhà đầu tư chuyển dịch vốn vào bất động sản và chứng khoán, làm cho hai thị trường này bớt èo uột.

Tín dụng chưa giải quyết thanh khoản

Theo các chuyên gia tài chính, về lâu dài, việc NH Nhà nước cấp hạn mức cho vay theo nhóm NH chưa phải là giải pháp tối ưu để kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Các NH được cấp hạn mức thấp, không được cho vay vẫn có thể tìm nhiều cách cho vay hoặc cho vay nhiều hơn tỉ lệ cho phép. Trong khi đó, nguyên nhân khiến một số NH hoạt động yếu kém, liên tục thiếu hụt thanh khoản không hẳn xuất phát từ tín dụng.
Cái gốc của việc giải quyết NH hoạt động yếu kém là cần có giải pháp ổn định vấn đề thanh khoản.
 
Thy Thơ
(Theo báo Người lao động)

Các tin cùng loại