Nhìn nhận đúng về phong thủy

12 năm trước 12:00 10/03/2012
Phong thủy không phải là phép màu có thể biến đổi cuộc sống của bạn. Phong thủy chỉ góp phần điều chỉnh thiên - địa - nhân giúp cuộc sống của bạn được thuận lợi hơn.

KTS Lý Thái Sơn, (uỷ viên BCH hội KTS.TP.HCM) tự nhận là người có duyên nợ với phong thuỷ ngay từ thuở còn là sinh viên kiến trúc Sài Gòn những năm đầu thập kỷ 70. Trong giới kiến trúc sư, ông được nhiều người nhắc tới với tham luận “Phong thuỷ: giao điểm giữa hai nền Kiến trúc và Đô thị học Đông – Tây” đọc tại Đại hội liên hiệp kiến trúc sư quốc tế (UIA) lần thứ 20, ở Bắc Kinh tháng 6.1999, trong đó ông có một đề xuất táo bạo: sử dụng thuật ngữ sơn thuỷ (san- shui) thay thế cho phong thuỷ (feng- shui) có từ 17 thế kỷ nay.

Nhìn nhận đúng về phong thủy - Archi
Cần khẳng định là phong thuỷ không đem lại phép màu nào cả
KTS Lý Thái Sơn giải thích vì sao lại gọi là sơn thuỷ thay vì phong thuỷ: “Xét từ cả lý thuyết, lẫn thực hành, trong hàng ngàn, hàng vạn sách phong thuỷ từ cổ điển đến hiện đại, không có lấy một trang hoặc một chương sách khiêm tốn nào đá động đến phong (gió). Tất cả chỉ đề cập tới cặp âm dương sơn (núi) và thuỷ (nước). Theo đó, sơn chính là vật dùng để tàng phong và cùng với dòng nước luôn song hành với nó tạo thành những chỗ tụ thuỷ theo quan điểm của Quách Phác (đời Tấn), người được các học trò về sau xưng tụng là ông tổ của khoa phong thuỷ”.
 
Phong thuỷ thương mại hay phong thuỷ hàng chợ.
 
Cần khẳng định là phong thuỷ không đem lại phép màu nào cả. Phong thuỷ dựa trên hai cột trụ là địa lý và thiên văn của thế giới tự nhiên, trong khi phép màu thường được hiểu như một thứ gì siêu nhiên, ngoại cảm, thần bí, thậm chí tâm linh (sic) không thể hiểu nổi, không thể cắt nghĩa được, chúng vượt quá giới hạn hiểu biết của lý trí thông thường.
 
Phong thuỷ nào phải là phù thuỷ. Vậy mà trong thực tế, vẫn có người cho rằng một vài kỷ xảo nho nhỏ như dịch cái cổng sang bên trái ba tấc, năm phân; dời cái bếp sang bên phải bảy thước, ba tấc; trổ cái cửa trước sang bên hông, quay cái giường 90 độ v.v, cộng với một vài thủ thuật mang tính hù doạ, gọi là “xung sát” hầm bà lằng (đường phố đâm thẳng, đâm xiên, đà dầm “lộ cốt”)… là “giải quyết xong vấn đề”! Cũng có người tin theo các “chiêu” hoá giải bằng vật phẩm phong thuỷ hoặc pháp khí ngũ hành, từ các chuông gió, quả cầu, đến con tỳ hươu (ăn mà không bài tiết) hoặc đủ loại kỳ lân, sư tử xếp loạn cào cào từ trước đến sau, từ trong ra ngoài…
 
Và hậu quả là giờ đây, chẳng những người dân bình thường với nhu cầu tâm lý, vật lý chính đáng khi làm một chuyện trọng đại như xây nhà hay xây tổ ấm mà cả một số quan chức và quý doanh nhân thành đạt cũng đồng loạt tham gia thị trường phong thuỷ một cách hăng hái và nháo nhào như cái… chợ trời.
 
Hai không, một có.
 
Đây là câu trả lời ví von của người viết đối với những thắc mắc về tác dụng của phong thuỷ: không thứ nhất là không có phép màu; không thứ hai là không chỉ có toàn màu hồng!
Nhìn nhận đúng về phong thủy - Archi
Đó là một ngôi nhà tam gian nhất thể gồm không gian + thời gian + nhân gian,
trong đó thời gian là chiều thứ tư mà kiến trúc phương tây không có.
 
Một có là “hiệu ứng phong thuỷ” luôn diễn ra dù có thiết kế theo thuật phong thuỷ hay không. Chính ở đây, người viết muốn lưu ý đến khía cạnh (a) thực nghiệm của phong thuỷ và (b) quy mô mà nó tác động đến đối tượng kiến trúc. Đối tượng kiến trúc ở đây bao gồm từ ngôi nhà nhỏ bé (building) đến sân vườn xung quanh (landscaping) và đô thị đa tầng bậc (urban planning), tức là ba yếu tố của kiến trúc (architecture) mà UNESCO định nghĩa.
 
Vậy phong thuỷ là cái gì?
 
Đó là một ngôi nhà tam gian nhất thể gồm không gian + thời gian + nhân gian, trong đó thời gian là chiều thứ tư mà kiến trúc phương tây không có.
 
Người viết tạm gọi tên của khoa học tự nhiên và nghệ thuật tổ chức không – thời gian này là kiến trúc bốn chiều (4dA, tức fourth- dimension-architecture). Nó cũng đồng thời bổ sung cho học thuyết Tam Nguyên của kiến trúc phương Tây mà KTS Vitruvius là đại diện.
 
Nếu dùng ngôn ngữ của người Ý, theo Vitruvius, kiến trúc = Utilitas (thích dụng) + Soliditas (bền vững) + Voluptas (mỹ quan).
 
Vitruvius sinh sống vào thế kỷ I trước Công nguyên, cùng thời với Lỗ Ban.
 
Theo Lỗ Ban (Trung Quốc) và Cao Lỗ (Việt Nam) thì kiến trúc = U+ S+ V+ L. Ngoài ba yếu tố U, V, S như trên còn có L là localitas. Nó cũng tương đương với khái niệm hồn nơi chốn (genius loci) trong kiến trúc đương đại.
 
“Vẽ cái gì, ra cái nấy” hoặc “thiết kế nào, diễn biến ấy” là chuẩn tắc, đồng thời là giá trị thực của khoa kiến trúc phong thuỷ. Thiết kế kiến trúc phong thuỷ học không chỉ giải quyết phần không gian (ưu thế của kiến trúc phương tây xưa nay) mà còn giải quyết phần thời gian còn lại!
 
Người phương Đông xưa nay gọi nó là kiến trúc an cư.
 
Đơn giản vậy thôi. Theo người viết bài này thì không thể có cái gọi là “bản vẽ phong thuỷ” cho một căn nhà lại khác biệt hoàn toàn, thậm chí mâu thuẫn với bản thiết kế kiến trúc của căn nhà đó. Phong thuỷ thực ra không có gì bí ẩn. Từ hai năm nay, người viết đã thực hiện các giảng khoá tại hai trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Huế theo hướng 4dA và đang tiến hành một dự án hợp tác với công ty Công nghệ Thông tin GMS – Cần Thơ, trong kế hoạch 2012, cùng viết các phần mềm với nhiều kỳ vọng sẽ giải thích để mọi người hiểu rõ hơn, đơn giản hơn những yếu tố mà ta hay gọi là “bí ẩn” của phong thuỷ.
 
 
KTS Lý Thái Sơn
 
(Theo Đô Thị) 

 

Các tin cùng loại