Mua nhà hợp pháp vẫn gặp rủi ro: Ai bồi thường?

12 năm trước 11:48 10/03/2012
TT - Sau khi tìm hiểu kỹ căn nhà 25/32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) do bà Lê Thị Lan Phương đứng tên sở hữu, tôi quyết định mua căn nhà này và hợp đồng mua bán đã được công chứng vào tháng 3-2010.

 

Sau khi nộp lệ phí trước bạ, tôi nộp hồ sơ làm thủ tục đăng bộ, sang tên tại UBND Q.1 nhưng đến ngày hẹn lại không nhận được giấy hồng. Sau đó, Phòng Tài nguyên - môi trường Q.1 có công văn cho biết đang chờ cung cấp hồ sơ địa chính của căn nhà trên và hẹn sẽ trả kết quả sau 10 ngày nhận được hồ sơ địa chính. Thế nhưng, đến giữa tháng 10-2010, tôi nhận được thông báo của UBND Q.1 cho rằng chủ cũ của căn nhà 25/32 Nguyễn Bỉnh Khiêm là bà Lê Thị Lan Phương có dấu hiệu giả mạo khi làm hồ sơ xin cấp giấy hồng.

Cụ thể, khi làm hồ sơ xin cấp giấy hồng, bà Phương đã cam kết căn nhà trên không có tranh chấp và sẽ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có phát sinh tranh chấp. UBND Q.1 cấp giấy hồng cho bà Phương dựa trên cam kết này. Sau khi có giấy hồng, bà Phương bán nhà cho tôi thì có người đứng ra tranh chấp nên UBND Q.1 hủy giấy hồng đã cấp cho bà Phương.

Vụ này khiến tôi từ người mua nhà hợp pháp trở thành người trắng tay sau khi đã trả 2,5 tỉ đồng tiền mua nhà cho bà Phương. UBND Q.1 thừa nhận quận cấp giấy hồng căn nhà trên cho bà Phương là chưa đủ cơ sở pháp lý nhưng lại không đề cập đến hệ quả pháp lý và quyền lợi của người mua nhà hợp pháp là tôi. Tôi mua căn nhà trên vì nhà đã được Q.1 cấp giấy hồng, như vậy Q.1 phải bồi thường thiệt hại cho tôi.

Đinh Thị Bích

- Ông Nguyễn Đăng Khoa (trưởng Phòng tài nguyên - môi trường Q.1) trả lời:

Nhà 25/32 Nguyễn Bỉnh Khiêm không có giấy tờ hợp lệ nên Q.1 cấp giấy hồng dựa theo cam kết về quyền sở hữu căn nhà của chủ nhà là bà Phương. Lúc đó, bà Phương cam kết căn nhà trên thuộc sở hữu của bà, không có ai tranh chấp và bà xin chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có tranh chấp xảy ra.

Nay có tranh chấp xảy ra, tức bà Phương đã cam kết sai sự thật nên Q.1 hủy giấy hồng đã cấp cho bà Phương. Do bà Phương đã cam kết chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp xảy ra nên bà Bích phải tìm bà Phương để yêu cầu bà Phương trả lại tiền mua nhà và bồi thường những chi phí phát sinh.

Sau khi tòa án giải quyết tranh chấp quyền sở hữu căn nhà trên xong, Q.1 sẽ cấp lại giấy hồng theo quyết định của tòa án. Bà Bích có thể nộp đơn tham gia vụ việc này với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Bà Ung Thị Xuân Hương (phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) nhận định:

Trường hợp này cần xác định xem có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại cho bà Bích hay không để xác định trách nhiệm bồi thường. Theo hồ sơ, Q.1 đã nhận định việc cấp giấy hồng cho bà Phương là “chưa đủ cơ sở pháp lý”.

Như vậy người thi hành công vụ đã có hành vi trái pháp luật và hành vi này đã gây thiệt hại cho bà Bích.

Căn cứ quy định tại điều 4, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, bà Bích có quyền yêu cầu UBND Q.1 phải bồi thường thiệt hại cho bà. Bà Bích cũng có thể gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp TP yêu cầu xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho bà.

Hủy giấy hồng đã cấp cho bà Phương là sai

Theo một chuyên gia pháp luật, UBND Q.1 hủy giấy hồng đã cấp cho bà Phương trong trường hợp này là sai quy định.

Tranh chấp về quyền sở hữu căn nhà trên phát sinh khi căn nhà đã có giấy hồng thì cơ quan giải quyết tranh chấp phải là tòa án. Bên tranh chấp phải khởi kiện ra tòa, và tòa án có yêu cầu ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng căn nhà trên thì việc ngăn chặn mới có hiệu lực.

Nếu quyết định giải quyết tranh chấp của tòa án (đã có hiệu lực) không công nhận quyền sở hữu căn nhà trên cho bà Phương, UBND Q.1 mới được hủy giấy hồng đã cấp.

 

D.NGỌC HÀ ghi (Theo báo Tuổi Trẻ)

Các tin cùng loại