Vật liệu xây dựng "chết" theo bất động sản

12 năm trước 09:48 15/01/2012
Khi bất động sản vẫn trong tình trạng bất động kéo dài, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải vật lộn trong buổi chợ chiều ảm đạm.

Tổng Giám đốc một công ty thép vốn thân thiện với báo giới, dạo này luôn tìm cách cáo bận hoặc công tác xa để tránh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nhân viên các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng lặng lẽ nghỉ, chuyển sang công việc khác. Chuyện gì đang xảy ra với vật liệu xây dựng, ngành một thời được coi là hấp dẫn?

Từ phá giá...

Cả 2 trường hợp nói trên đều là nhát cắt phản ánh thực trạng ế ẩm và thua lỗ của ngành vật liệu xây dựng hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành vật liệu xây dựng và trang trí nội thất đều có mức tồn kho tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tồn kho đồ gỗ nội thất, chẳng hạn, đã tăng 92,4%, dây điện bọc cách điện tăng 73,5%, thép tấm, 72%. Các sản phẩm thép xây dựng, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, tấm trần... cũng có chỉ số tồn kho tăng từ 20% đến trên 40%.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nửa đầu năm 2011, lượng thép tồn kho đã vượt quá ngưỡng cho phép: gần gấp đôi. Nếu tính cả lượng thép trong các công ty thương mại, lượng tồn kho hiện nay đã lên tới khoảng 600.000 tấn trong khi ngưỡng cho phép là 250.000 tấn. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết sản xuất kinh doanh thép năm 2011 tăng trưởng âm khoảng 10-12% so với năm 2010.  

 

Bi đát không kém là ngành sản xuất gạch ốp lát. “Địa ốc đóng băng, tín dụng bất động sản bị siết chặt và lãi vay cao khiến nhu cầu xây dựng giảm mạnh, ảnh hưởng rất xấu đến ngành sản xuất gạch ốp lát”, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, cho biết.

Khó khăn nhất là ngành xi măng với mức hàng tồn lên tới 2 triệu tấn. Do hầu hết các nhà máy sản xuất xi măng sử dụng vốn vay (khoảng 80%), nên áp lực nợ rất lớn. Các ngành khác như kính xây dựng, đồ gỗ, trang trí nội thất cũng cùng chung số phận.

Lượng hàng tồn kho lớn cộng với việc lãi suất ngân hàng tăng cao khiến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như ngồi trên đống lửa, và chắc chắn áp lực tài chính sẽ khiến họ phải giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho. Nhưng thị trường đóng băng, nhu cầu xây dựng ít sẽ kéo những doanh nghiệp này vào cuộc chiến giá cả. Từ đầu năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp thép đã có ít nhất 3 lần hạ giá bán, và theo ông Cường, họ đã bán dưới giá thành để thu hồi vốn.

...Tới ám ảnh phá sản

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam hồi giữa năm 2011, sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp thép phá sản trong năm 2012, dù cho đến nay vẫn chưa có công ty nào tuyên bố đóng cửa. Tuy chưa chính thức phá sản, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp thép đang ngắc ngoải. Tình trạng phổ biến hiện nay là doanh nghiệp không bán được hàng, phải cắt giảm sản xuất.

Công ty Thép Việt chẳng hạn, đã phải cắt giảm 50% công suất, Công ty Thép Vạn Lợi, trong Đại hội cổ đông, đã tuyên bố ngừng sản xuất; Công ty Cổ phần Thép Đình Vũ thì đã liên tục lỗ trong những năm qua Công ty Cổ phần Thép Cửu Long Vinashin cũng đang “đắp chiếu” và tìm người mua lại doanh nghiệp của mình. Nhiều công ty khác chỉ hoạt động khoảng 30-40% công suất mà vẫn có hàng tồn kho.

Bi đát hơn, cụm từ phá sản đã được nhắc đến đối với các doanh nghiệp trong ngành xi măng. Tính cho đến nay đã có 4 nhà máy là Xi măng Đồng Bành, Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Tam Điệp, Xi măng Hoàng Mai không có khả năng trả nợ, đã phải cầu cứu đến Chính phủ. 3 trong 4 nhà máy này đã ngỏ lời muốn bán lại nhà máy. Khổ nỗi, các doanh nghiệp xi măng khác cũng đang gặp khó khăn, lấy ai mua lại nhà máy để gánh số lỗ này? Ngay cả doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cũng đang bị lỗ và ngày càng lỗ nhiều hơn.

60 doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát có tổng công suất thiết kế 380-400 triệu m2/năm, nhưng tính cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước vào năm 2010 cũng chỉ mới đạt 270-280 triệu m2. Thêm vào đó, áp lực của loại hàng “giá nào cũng có” từ Trung Quốc cũng làm cho ngành sản xuất gạch ốp lát lâm vào cơn bĩ cực. Hầu như tất cả các doanh nghiệp đều đang gồng lên để có thể trả lương nhân viên và tiền lãi ngân hàng.

Một cái khó nữa khiến cho nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng ngày càng rõ ràng hơn là lãi suất đứng ở mức cao. Doanh nghiệp khó vay để tiếp tục đầu tư sản xuất trong khi vẫn phải trả tiền đã vay trước đó cộng với lãi. Lối thoát càng khó khi hàng làm ra được, vẫn nằm trong kho.

Gắn liền với nhà đất như môi với răng nên một khi bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, có lẽ các doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ còn phải vật lộn trong khó khăn thêm vài năm nữa.

Tác giả: Lan Ca

(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Các tin cùng loại