Lo ngại về BCTC quý 1/2012 ngành BĐS

12 năm trước 08:02 16/02/2012
(DĐDN) - Sức hấp dẫn của ngành bất động sản trong năm 2012 là rất thấp, chỉ khi toàn thị trường thay đổi, các chính sách thay đổi, sức hấp dẫn của nó sẽ quay trở lại khi nhiều DN sẽ vượt kế hoạch thấp đã đề ra

 

Chính sách thắt chặt tiền tệ thực hiện theo Nghị quyết 11/CP năm 2011 đã khiến cho nhiều nhóm ngành rơi vào thảm cảnh, nhiều DN đi vào ngõ cụt, hoặc phải hoạt động cầm chừng. Trong đó, ngành Bất động sản bị ảnh hưởng khá lớn, sản phẩm làm ra không bán được, chi phí tăng mạnh, nhiều công trình vẫn dang dở bởi chủ đầu tư không còn vốn hoặc thu xếp được vốn để thực hiện. Chính vì thế đã có khá nhiều kiện cáo liên quan đến BĐS mà nguyên nhân sâu xa cũng là vì tiền. Bên mua cố trây ỳ chậm nộp tiền, còn bên chủ đầu tư thì không thể bàn giao nhà theo đúng tiến độ.
 
Trong khi đó, thông điệp đầu năm 2012 của Chính phủ với việc ban hành Nghị Quyết số 01/CP-2012 nêu rõ: kiểm soát tăng trưởng tín dụng khoảng 15-17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%. Chỉ thị số 01 được NHNN ban hành ngày 13/02/2012, theo đó NHNN giao chỉ tiêu tín tăng trưởng tín dụng nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng không vượt quá 16% Tổng dư nợ 2012 đối với ba nhóm không khuyến khích là : Chứng khoán – Vay tiêu dùng - Bất động sản.
 
Cũng theo số liệu từ NHNN, dư nợ tín dụng hết năm 2010 là 234.000 tỷ đồng, đến cuối năm 2011 là 201.000 tỷ đồng giảm được 34.000 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu của nhóm này là 3,52% cao hơn so với 3,3% tổng nợ xấu toàn nền kinh tế. Nợ nhóm 2 đang có xu hướng gia tăng, và nếu các khách hàng tiếp tục chậm trả nợ đối với ngân hàng sẽ khiến cho ngân hàng buộc phải chuyển nhóm nợ. Theo quyết định số 493/2005/QĐ_NHNN, tỷ lệ trích dự phòng đối với nợ nhóm 2 là 5%, nợ nhóm 3 tăng lên là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%. Thanh khoản của nhiều TCTD yếu kém đang khiến cho các khoản vay liên ngân hàng không thể trả được cũng làm cho nhiều TCTD tiếp tục tăng các khoản chi phí trích lập dự phòng lên. Nhiều khoản tín dụng BĐS từ những năm về trước để lại đang khiến cho hàng loạt Ngân hàng lâm vào tình trạng kẹt thanh khoản mà bản thân họ vẫn đang loay hoay tháo gỡ. Chính vì thế, nhiều Ngân hàng đã nêu rõ quan điểm Tín dụng của Ngân hàng mình với Bất động sản ngay trong năm 2012 này hướng đến thu nợ nhiều hơn là cho vay ra.
 
Theo thống kê từ dữ liệu của Vietstock, tính đến 14/02/2012 có 642/699 Doanh nghiệp gửi BCTC Quý 4/2011, trong tổng số đó có 124/574 Doanh nghiệp có báo cáo tài chính Công ty mẹ lỗ chiếm tỷ trọng 21,6%. Đây là con số rất cao trong giai đoạn này và cao hơn cả năm 2008. Tính riêng các DN lĩnh vực BĐS thì con số còn cho thấy sự đáng sợ hơn nữa. Trong tổng số 57 DN được xếp vào ngành này có 36/57 DN giảm sút doanh thu so với 2010, lỗ quý 4 là 16/57, lỗ cả năm là 6/57 trong đó ITC lỗ lớn nhất với (-137) tỷ, tiếp theo là KBC, SJS… So sánh mức tăng trưởng về lợi nhuận với năm 2010, thì 47/57 DN có mức lợi nhuận giảm sút. Có lẽ họ thấu hiểu được sự khó khăn năm vừa qua cũng như quan điểm của nhiều Ngân hàng với Tín dụng BĐS nên ngay đầu năm 2012, hàng loạt các chương trình bán hàng hấp dẫn được tung ra, giá giảm sốc hay khuyến mại lớn từ các DN ngành này. Mục đích chính là bán được hàng và thu nguồn tiền về nhằm tái cơ cấu lại dòng tiền và các khoản nợ. Khoản nợ lớn đang khiến cho nhiều DN lỗ nặng, trong khi đó doanh thu gần như không có sẽ khiến cho DN đau đầu với khoản vay ngắn hạn đến hạn thanh toán. Giả sử có doanh thu thì họ có thể đảm bảo được nguồn tiền để đáo nợ Ngân hàng, nhưng nếu thị trường BĐS tiếp tục ảm đạm sẽ khiến cho DN không còn cơ hội. Khi đó sẽ có thể xảy ra một đợt giải chấp BĐS như giải chấp CK đã từng xảy ra năm 2010 và 2011. Quý 1/2012 đã qua hơn một nửa thời gian, dư âm ngày Tết vẫn còn, tín dụng vẫn tiếp tục bị thắt chặt, trong khi đó thì các chi phí vẫn phát sinh hàng ngày có thể cho thấy kết quả kinh doanh quý 1/2012 đối với nhóm ngành này còn xấu hơn nữa.
 
Mùa ĐHCĐ đang đến gần, năm 2011 vẫn còn nhiều DN kỳ vọng vào thị trường nên đặt mục tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, nhiều DN đã phải điều chỉnh lại kế hoạch, có DN gần hết năm 2011 vẫn chủ trương xin ý kiến điều chỉnh chỉ tiêu. Khó khăn hiện tại cộng với kết quả kinh doanh năm 2011, liệu có DN nào đặt mục tiêu lợi nhuận cao trong năm 2012. Chỉ riêng việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm nay và cơ sở nào để có được kế hoạch lợi nhuận cũng đã là một bài toán đối với DN chứ đừng nói đến kế hoạch Kinh doanh táo bạo. Do vậy sức hấp dẫn của ngành này trong năm nay là rất thấp, chỉ khi toàn thị trường thay đổi, các chính sách thay đổi, sức hấp dẫn của nó sẽ quay trở lại khi nhiều DN sẽ vượt Kế hoạch thấp đã đề ra.
 
Nguyễn Hữu Bình - Phòng Phân tích và Đầu tư CTCK FLC 

Các tin cùng loại