Chưa có hiện tượng bán tháo bất động sản

12 năm trước 16:00 27/02/2012
(TBKTSG Online) - Việc một số dự án chung cư giảm giá căn hộ nhằm thu hồi vốn trước áp lực trả vốn vay ngân hàng là điều đã xảy ra vào cuối năm 2011; và xu hướng giảm giá được nhiều người kỳ vọng trong năm nay khi nhiều chủ đầu tư không đủ sức cầm cự lâu hơn. Tuy nhiên, bất động sản Việt Nam, mặc dù căng thẳng tín dụng, vẫn chưa tới mức bán đổ, bán tháo như đã từng thấy ở một số nước thời gian vừa qua.

 

“Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với hy vọng sẽ mua được những bất động sản giá rẻ nhưng không được và ho phải thay đổi chiến lược đầu tư,” tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phát biểu tại hội thảo “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản 2012?” do Vietstock tổ chức ngày 25-02 tại trung tâm hội nghị Queen Plaza trên đường Hồng Hà, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, theo ông Nghĩa, với sự mong đơi các nhà đầu tư trong nước giảm giá một nửa, hoặc hai phần ba để bán cho họ như đã từng xảy ra tại khu vực Châu Mỹ Latin, tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra.

Khu vực Châu Á vẫn giữ được đà tăng trưởng, và giá bất động sản giảm ở Việt Nam không phải do xả hàng mà do chính sách thắt chặt tiền tệ bị siết chặt. Đó chỉ là áp lực tạm thời; nếu chính sách được điều chỉnh, thì trường bất động sản sẽ sẽ bùng nổ trở lại.

Ông Nghĩa nhận định nguồn tài chính chủ yếu của thị trường bất động sản Việt Nam là ngân hàng và lãi suất ngân hàng, và nó tác động cả lên cả nguồn cung lẫn nguồn cầu của thị trường. Do vậy, việc lãi suất có giảm được không, giảm bao nhiêu và khi nào lãi suất giảm là vấn đề quan trọng.

Ở một số nước, mặc dù cơn khủng hoảng qua rồi nhưng lãi suất không giảm được lý do thanh khoản của ngân hàng vẫn tiếp tục khó khăn. Người gởi tiền chưa tin vào tình hình kinh tế vĩ mô vững chắc; người đi vay chưa tin môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi; và người cho vay chưa tin rủi ro đã hết trên thị trường như chứng khoán bất động sản và kinh doanh hàng hóa.

Cả ba bên đều do dự, e ngại, dẫn đến việc tiền gởi giảm và thanh khoản sụt giảm. Nợ xấu tiếp tục tăng lên, trở thành gánh năng không chỉ cho hệ thống ngân hàng mà cả nền kinh tế.

“Việt Nam cũng đang gặp tình trạng tương tư,” ông Nghĩa nói, và thêm rằng mặc dù lạm phát bắt đầu giảm nhưng lãi suất không giảm ngay được nguyên do hiện các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản. Nguồn gốc của thanh khoản là nợ xấu, phần lớn là từ bất động sản.

Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng đồng quan điểm cho rằng chưa có hiện tượng tháo bất động sản ở Việt Nam mặc dù đâu đó có việc hạ giá bán.

Câu chuyện của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn vốn, và vấn đề này đang gặp khó khăn vì tính thanh khoản của các ngân hàng. Hơn nữa, ngay cả khi tín dụng được tháo gỡ, khó nhà đầu tư nào chịu nổi lãi suất như hiện nay.

Ông Nghĩa cho biết giải quyết vấn đề thanh khoản của ngân hàng là vấn đề nan giải, và một số biện pháp đang được triển khai, trong đó có việc tăng cung tiền, điều hòa vốn giữa các ngân hàng.

“Nếu việc giải quyết vấn đề thanh khoản của các ngân hàng có chuyển biến tích cực ở quý 2 thì sang quý 3 và quý bốn lãi suất ngân hàng mới có thể hạ nhiệt,” ông Nghĩa nhận định.

Hỗ trợ vốn cho người mua

Đầu tháng 12 năm ngoái, Chính phủ đã có chỉ thị riêng về thị trường bất động sản, theo đó sẽ tăng cường quản lý thị trường bất động sản và đồng thời linh hoạt tín dụng cho một số nhóm đối tượng ngoại trừ việc vay xây mới, vay đầu cơ. Một số định chế tài chính đang được nghiên cứu và có thể sẽ triển khai trong năm nay nhằm cung cấp thêm nguồn tài chính cho thị trường này bên cạnh ngân hàng.

Cụ thể Bộ Xây dựng vừa trình đề án quỹ tiết kiệm và phát triển nhà ở, và đang lấy ý kiến bộ ngành liên quan. Đây là quỹ đóng, và sẽ cho vay xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Quỹ sẽ cho thành viên vay một khi đã gởi tiết kiệm được 30% giá trị căn nhà muốn mua, và mức vay bằng 3 lần số tiền gửi. Thời gian vay 15 năm với lãi suất bằng phân nửa lãi suất thị trường tiền gửi + 1% - 2%/năm.

Quỹ sẽ công khai mức đóng góp cho từng cá nhân gửi tiền, công khai thông tin tài chính của quỹ để công luận và mọi người theo dõi. Dự kiến TPHCM và Hà Nội sẽ thực hiện quỹ này vài tháng tới.

Ngoài ra, đề án thành lập ngân hàng phát triển nhà ở nhà được đang soạn thảo và trinh Thủ tướng, theo đó Ngân hàng Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ giữ vai trò nòng cốt, và cũng có thể là một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng trung ương chuyên về nhà ở và cho vay nhà ở.

Khác với quỹ, nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu từ ODA, ngân sách, trái phiếu chính phủ và trái phiếu nhà ở. Điều đặc biệt là ngân hàng chỉ cho vay để mua nhà và thuê nhà với lãi suất ưu đãi với thời hạn từ 15 - 20 năm, không cho vay để phát triển dự án nhà ở.

“Thị trường bất động sản muốn phát triển bền vững phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ phía cầu, nghĩa là có người mua…Nếu chỉ hỗ trợ vốn tạo lập dự án mà không ai mua cũng làm khổ ngân hàng,” ông Nghĩa phát biểu.

Tuy nhiên, nếu đề án thành lập quỹ trên được thực hiện trong năm nay thì cũng phải mất từ 3 – 5 năm sau mới có tác dụng vì cũng phải mất thời gian quy động vốn góp, do vậy chỉ có tác động dài hạn. Riêng ngân hàng cho vay bất động sản có thể có tác động nhanh hơn, nhưng với số vốn dao động từ 5 – 10 ngàn tỉ đồng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của thị trường.

Hai định chế tài chính này, theo ông Nghĩa, nếu được hình thành sẽ có tác động, góp phần tránh cho thị trường bất động sản những cơn biến động bất thường. Hiện phân khúc nhà giá rẻ là chủ đạo, và một số chuyên gia dự báo từ nay đến 2020 nhà ở tại Việt Nam sẽ vẫn xoay quanh phân khúc này.

Ông Nghĩa dự báo với nhiều biện pháp đang được triển khai, thị trường bất động sản sẽ ấm dần và khởi sắc vào năm 2013 và sẽ kéo dài từ 4 – 5 năm sau đó.  

(Theo báo TBKTSG)

Các tin cùng loại