Thị trường BĐS Việt Nam: Chưa có dấu hiệu khởi sắc

12 năm trước 16:24 03/03/2012
Theo nhiều chuyên gia, thị trường BĐS trong năm 2012 này sẽ còn ảm đạm hơn năm 2011. Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) cho biết, thị trường BĐS sẽ còn tiếp tục khốn đốn cho đến hết năm 2012. Theo ông Hiếu, với kịch bản lạc quan nhất, tức là nền kinh tế thế giới được kiểm soát tốt, không xảy ra khủng hoảng nợ xấu ở châu Âu, Trung Quốc kìm chế được tình trạng tăng nóng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được Chính phủ điều hành khéo léo hơn, nhiều chính sách đồng bộ và hợp lý được thực thi để cứu DN hơn thì khoảng cuối năm 2012 có thể thị trường BĐS sẽ bắt đầu ổn định lại và tiếp tục phát triển tốt từ năm 2013.

 

 

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó tổng giám đốc Cty Đất Lành cũng nhận định, năm 2012 thị trường BĐS sẽ còn khó khăn hơn các năm trước. Phải đến năm 2013 thị trường này mới có khởi sắc. Riêng TS Võ Kim Cương - nguyên phó Văn phòng KTS trưởng TP thì lại có lời khuyên, năm nay các DN hãy chịu khó “nằm yên”, chờ sang năm 2013 hãy khởi công các công trình.

Cơ sở để các chuyên gia cho rằng năm 2012 các DN nói chung và các DN BĐS nói riêng vẫn còn khốn đốn là bởi vẫn phải đối mặt với tình hình thiếu vốn. Mặc dù ngân hàng nhà nước đã có hành động cụ thể, góp phần tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhưng lạm phát vẫn ở mức cao. Vì vậy Chính phủ chỉ đạo vẫn phải tiếp tục thực hiện biện pháp thắt chặt tiền tệ, mặt bằng lãi suất vì thế chưa thể hạ nhiệt ngay được. Riêng đối với thị trường BĐS, chỉ thị 01/CT-NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất về mức 16%. Do vậy, nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, nhu cầu vay vốn để đầu tư BĐS sẽ bị hạn chế, đầu ra các dự án bị tắc nghẽn, sản phẩm không tiêu thụ được do khả năng thanh toán của người mua xuống thấp. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, các DN BĐS sẽ còn phải đối mặt với việc thu hồi vốn nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp đang trông chờ vào đợt giảm giá tiếp theo của thị trường, điều đó cũng khiến thị trường ngày càng trở nên trầm lắng.

Theo một số chuyên gia, các DN BĐS nếu muốn tồn tại và vượt qua khủng hoảng thì cần phải tái cơ cấu lại DN, điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp để thích nghi với sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường. Cụ thể, trước mắt phải khơi thông được nguồn vốn và giảm áp lực trả nợ bằng cách chấp nhận hạ giá bán sản phẩm, chuyển nhượng hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư các dự án đang triển khai, mua bán, sát nhập dự án. Để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng, các DN nên tận dụng nguồn vốn từ các kênh huy động khác như huy động thông qua phát hành các công cụ nợ, thu hút vốn trên thị trường chứng khoán, thu hút vốn từ nguồn khách hàng… Bên cạnh đó, các DN cần thực hiện chính sách linh hoạt trong chiến lược đầu tư kinh doanh, không nên đầu tư dàn trải mà cần tập trung nguồn lực chuyển hướng vào các dự án trọng điểm, đáp ứng nhu cầu hiện tại của thị trường, phù hợp với chính sách quy hoạch của nhà nước và có tiềm năng phát triển lâu dài như phân khúc nhà ở trung bình và nhà cho người có thu nhập thấp, dự án ở các vùng ven…

 
 
Trân Huyền
(Theo báo Xây Dựng)

Các tin cùng loại