Tín dụng sẽ quyết định số phận thị trường địa ốc

12 năm trước 09:39 05/03/2012
Tại buổi tọa đàm “Tài chính và thị trường bất động sản 2012” do Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức, phần lớn các chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là đói vốn. Chỉ cần khơi thông được dòng vốn, thị trường địa ốc sẽ khởi sắc trở lại.

 

Theo ông Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, với một doanh nghiệp địa ốc, ngoài vốn chủ sở hữu, nguồn vốn thông dụng là vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, cả 2 kênh huy động vốn này hiện đều gặp khó. Doanh nghiệp vay ngân hàng không được, hoặc nếu vay được, thì lãi suất quá cao cũng không kham nổi. Còn vốn huy động từ khách hàng thì dường như bị bế tắc, do thị trường trầm lắng.

“Lượng hàng tồn kho nhiều, thị trường địa ốc rất cần nguồn vốn trung, dài hạn để giải quyết khó khăn”, ông Hiếu nhận định và cho rằng, nếu đề xuất Sở Xây dựng TP.HCM mua lại một số căn hộ phù hợp của các doanh nghiệp để làm quỹ nhà tái định cư được thực hiện, thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho thị trường.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Vinaland cho biết, khó khăn của thị trường hiện nay là niềm tin và tín dụng. “Tín dụng bị siết chặt, lãi suất tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đầu tư, mà còn bóp chết đầu ra của thị trường. Phần lớn người có nhu cầu nhà ở hiện nay đều phải lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, với lãi suất quá cao như hiện nay, không ai dám vay ngân hàng để mua nhà”, ông Hoàng phân tích và cho rằng, thị trường địa ốc thời gian tới tiếp tục trầm lắng hay khởi sắc phụ thuộc vào chính sách tín dụng.

Ông Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2012, kỳ vọng thị trường địa ốc sẽ có sự khởi sắc trở lại. “Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán tăng 20%, một mức tăng khá mạnh. Điều này không phải ngẫu nhiên, mà cho thấy đang có một dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán và với thị trường địa ốc, khả năng thời gian tới, sẽ có một dòng vốn tương tự được đổ vào thị trường, hoặc vào các cổ phiếu bất động sản”, ông Ánh nhận định.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thời gian qua, thị trường địa ốc giảm giá không phải do cung thừa, xả hàng đồng loạt, mà chủ yếu do chính sách tiền tệ thắt chặt. Tín dụng thắt chặt, lãi suất cao gây khó khăn cho đầu vào và đầu ra của thị trường. Vì vậy, nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng, thị trường sẽ sôi động trở lại. “Một khi lạm phát được kiềm chế, lãi suất chắc chắn sẽ giảm xuống. Hơn nữa, Chính phủ đang xem xét thực hiện một loạt giải pháp, như tăng cung tiền trong ngân hàng để tạo tính thanh khoản; cho phép một số ngân hàng thương mại được phép bán vàng, xuất khẩu vàng... Đây là những động lực vực dậy thị trường”, ông Nghĩa nói và cho rằng, nếu lãi suất giảm sớm, quý II năm nay, thị trường sẽ có sự khởi sắc, hoặc chậm nhất là đến cuối năm.

Theo báo Đầu Tư

Các tin cùng loại