Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Vướng từ đâu?

12 năm trước 14:16 07/03/2012
Hiện nay, việc tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân... và việc xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP Hà Nội còn khá nhiều tồn tại, vướng mắc ngay từ khâu triển khai chính sách tới triển khai thực tiễn.

 

“Bất cập” từ chính sách

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, đến nay toàn TP đã cấp được 646.863 GCN cho đất nông nghiệp đạt 93%. Đối với đất phi nông nghiệp đã đủ điều kiện, đã cấp 1.014.760 GCN cho các hộ gia đình, cá nhân tại các khu vực đô thị và nông thôn đạt 92%, đã cấp 4.808 GCN cho các tổ chức, đơn vị đã sử dụng đất (đạt 25% số thửa cần cấp).

Từ thực tế cho thấy, vướng mắc trong cấp GCN có nguyên nhân bắt nguồn từ phía cơ quan xây dựng chính sách. Tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ TN&MT nhằm triển khai Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về cấp GCN nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, như trong trường hợp cùng một thửa đất nhưng có nhiều người sử dụng, nhiều chủ sở hữu nhà ở... Việc cấp GCN đối với những trường hợp xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch....

Ngoài ra, việc luân chuyển hồ sơ giữa Văn phòng đăng ký sử dụng đất (VPĐK) và cơ quan thuế vẫn chưa được thực hiện liên thông giữa các cơ quan đăng ký với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật đất đai. Thực tế, người dân vẫn phải tự mình mang hồ sơ đến cơ quan thuế để tính nghĩa vụ thuế.

Tại nhiều quận, huyện của Hà Nội vẫn tổ chức tiếp nhận hồ sơ cấp GCN tại bộ phận một cửa mà chưa chuyển về VPĐK thực hiện theo quy định tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP. Hơn nữa, nhiều quận, huyện tại Hà Nội còn yêu cầu cả VPĐK TP hoặc UBND phường, xã khi chuyển hồ sơ cho VPĐK đều phải chuyển qua bộ phận một cửa, làm kéo dài thêm thủ tục và cản trở việc trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan đối với việc luân chuyển hồ sơ để xử lý.

Nhiều trường hợp hai nhà liền nhau nhà thì được cấp GCN, nhà thì không; Có trường hợp chỉ sau một tuần, một tháng là nhận được GCN nhưng có trường hợp cả năm sau mới nhận được do bị “ngâm” hồ sơ. Nhiều trường hợp do thiếu hồ sơ nhưng cán bộ không thông báo kịp thời cho người dân dẫn đến việc chậm cấp sổ đỏ kéo dài.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Qua thanh kiểm tra, công tác cấp GCN tại các quận, huyện nguyên nhân của sự chậm trễ này là do hồ sơ xin cấp GCN bị “om” quá lâu ở phường, xã thủ tục quá rườm rà phức tạp. Cũng có nhiều trường hợp người dân do chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nguồn gốc đất không rõ ràng, tranh chấp hoặc nằm trong các dự án.

Trao đổi với PV, ông Đặng Hồng Thái - Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân lại cho rằng: Q.Thanh Xuân còn hơn 8 nghìn trường hợp chưa cấp GCN được, người dân không nắm được trình tự, thủ tục, không cấp được GCN, kéo nhau đi kiện, thậm chí kiện vượt cấp khiến cho việc cấp GCN sẽ càng khó khăn phức tạp hơn.

Cần xử lý dứt điểm tồn đọng

Vừa qua, Văn phòng chính phủ đã có Thông báo số 64/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình cấp GCN. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, trong quá trình xem xét cấp GCN còn tình trạng chủ dự án vi phạm pháp luật về đất đai, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi, chuyển nhượng và mua bán trái phép, thủ tục và nguồn gốc hồ sơ đất phức tạp; thủ tục cải cách hành chính trong việc cấp GCN chưa bảo đảm theo quy định, chậm bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, một số cán bộ, công chức còn gây phiền hà nhũng nhiễu khi thực hiện công vụ.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ: Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, UBND TP.HCM và Hà Nội hướng dẫn, giải quyết từng nội dung còn bất cập để đẩy nhanh công tác cấp GCN; đồng thời đề xuất hình thức phạt hành chính trong lĩnh vực cấp GCN để nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng đất. Thực hiện thanh tra điểm đối với các khu vực dự án có tồn tại về cấp GCN mà dư luận nêu, gây bức xúc trong nhân dân. Qua thanh tra, nếu có sai phạm phải đề xuất biện pháp xử lý theo quy định và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân biết.

UBND TP Hà Nội từng nhiều lần yêu cầu các lãnh đạo quận, huyện phải đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác cấp sổ đỏ. Đối với các dự án nhà ở chung cư đang có vướng mắc trong việc cấp GCN cho người mua nhà ở do chủ đầu tư gây ra, TP sẽ kiên quyết buộc chủ đầu tư khắc phục sai phạm. Đồng thời, đình chỉ không cấp phép cho chủ đầu tư, và không giao đất, cho thuê đất mới ở địa phương đối với các đơn vị có vi phạm cho đến khi chủ đầu tư khắc phục xong sai phạm.

“Với những hồ sơ đủ điều kiện thì phải cấp ngay, những trường hợp cấp được GCN nhưng phải bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ thời gian, hồ sơ không được cấp thì trả lời ngay cho người dân. Sau đó, công bố cho toàn dân biết kế hoạch này để giám sát thực thi của các cấp chính quyền. TP kiên quyết xử lý những cán bộ gây nhũng nhiễu, tiêu cực với nhân dân”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết.

Việc chậm cấp GCN hiện nay còn phổ biến, người dân gặp phải quá nhiều khó khăn trong việc chạy “sổ đỏ”, lỗi này thuộc về ai. Khi nào cơ chế “xin - cho” còn tồn tại thì tiến độ cấp GCN còn chậm.

Không tới nhận sổ đỏ cũng bị phạt.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo tới UBND các quận, huyện về công tác cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân. Theo đó TP giao các sở, ngành khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc xác định hạn mức giao đất và tiền sử dụng đất đối với các trường hợp vượt hạn mức theo quy định. Đặc biệt, cần nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý đối với các trường hợp đã được cấp sổ đỏ nhưng hộ dân không tới nhận và không thực hiện nghĩa vụ tài chính dù đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo nhiều lần.

Theo thống kê, trên toàn TP Hà Nội còn tồn đọng hàng chục nghìn GCN chưa có người tới nhận. Trên toàn quốc có thời điểm số sổ đỏ vô thừa nhận lên tới 1,2 triệu giấy. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do nhiều hộ gia đình không có đủ khả năng tài chính để thanh toán nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, cũng như không có nhu cầu nhận GCN để thực hiện giao dịch, mua BĐS.

 
 
Hiệp Bắc  (Theo báo Xây Dựng)

Các tin cùng loại