Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở: Phải công chứng và đóng thuế

14 năm trước 11:24 01/09/2010
TTO - Tại hội thảo góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định 71/2010/NĐ-CP do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức chiều 31-8, ông Nguyễn Mạnh Hà - cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho rằng quy định phải công chứng văn bản mua bán nhà ở hình thành trong tương lai trước hết là nhằm bảo vệ người mua nhà, ngoài ra còn đảm bảo người chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Xây dựng cho rằng quy định phải công chứng văn bản mua bán nhà ở hình thành trong tương lai nhằm đảm bảo người chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân - Ảnh: H.TR.

Theo ông Hà, các giao dịch nhà ở dưới dạng hợp đồng góp vốn và không qua công chứng thời gian qua đã làm phát sinh nhiều rủi ro cho người mua nhà, đã có trường hợp chủ đầu tư buộc khách hàng phải ký lại hợp đồng dưới hình thức mua bán nhà (thay hợp đồng góp vốn) đồng thời buộc khách hàng phải nộp thêm tiền (nâng giá nhà, đất)...

Liên quan đến câu chuyện mỗi cá nhân góp vốn (trước khi dự án hoàn tất phần móng) chỉ được phân chia một lần với một nhà, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Văn Hiệp kiến nghị không nên quy định một hộ gia đình, cá nhân góp vốn cho dự án nhà ở trước khi xây dựng xong phần móng chỉ được chia lợi nhuận bằng một căn nhà. Vì thực tế có thể xảy ra chuyện một người góp vốn muốn nhận nhiều nhà và để cho anh, chị, em… đứng tên thì sở Xây dựng cũng không quản lý được.

Nhiều đại biểu cũng kiến nghị không nên hạn chế mỗi người chỉ được nhận lãi một nhà vì thủ tục phức tạp hơn, mà cơ quan quản lý cũng khó. Ông Hà cho rằng theo quy định thì các dự án nhà ở không được bán nhà ở trước khi xây dựng xong phần móng. Nghị định 71 “mở” hơn, cho phép người góp vốn được nhận lãi suất là nhà ở, mỗi người được một nhà trong phạm vi một tỉnh nhằm để tạo điều kiện cho những cán bộ, công nhân viên có nhu cầu nhà ở thực sự được mua nhà sớm với giá rẻ.

Dự thảo thông tư cho phép các cá nhân chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, việc chuyển nhượng này phải lập thành văn bản, có công chứng và người chuyển nhượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước. Chủ đầu tư dự án nhà ở phải xác nhận trong văn bản chuyển nhượng hợp đồng, chấm dứt giao dịch với người “bán”, xác lập giao dịch với người “mua”.

Các đại biểu đề xuất không bắt buộc phải công chứng văn bản chuyển nhượng hợp đồng, chỉ cần chủ đầu tư xác nhận là đủ. Ông Hà cho biết quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhiều người chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai bằng hợp đồng ủy quyền gây nhiều rủi ro cho người “mua”, nhà nước không quản lý được và thất thu thuế.

Cũng tại buổi góp ý, ông Nguyễn Văn Hiệp kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn kỹ hơn một số trường hợp chuyển tiếp giữa việc thực hiện những quy định cũ và nghị định 71 như: Trường hợp đã chuyển nhượng hợp đồng góp vốn (thực chất là hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai) bằng hợp đồng ủy quyền, có công chứng trước khi nghị định 71 có hiệu lực thì nay hợp đồng ủy quyền trên có đương nhiên vô hiệu? Nếu chủ đầu tư cấp 1 đã bán hơn 20% nhà ở trước khi xây dựng xong phần móng, hoặc trước khi xong hạ tầng thì chủ đầu tư cấp 2 có được huy động vốn thêm 20% theo nghị định 71 hay không?

Ông Hà cho biết Bộ Xây dựng sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện nghị định 71.

 D.N.HÀ - H.ĐĂNG (Theo bao Tuoi Tre)

Các tin cùng loại