Việt kiều cần điều kiện gì để mua nhà ở tại Việt Nam?

14 năm trước 10:11 18/09/2010
Hỏi: Tôi là Việt kiều đang định cư tại Mỹ. Với nhu cầu thường xuyên về thăm gia đình và bạn bè ở Việt Nam nên rất muốn được mua nhà ở tại Việt Nam để tiện sinh hoạt và nghỉ ngơi khi về nước. Xin quý báo cho tôi hỏi, với điều kiện như thế nào thì Việt kiều được phép mua nhà ở tại Việt Nam? Nguyễn Thị Bạch Vân, California, Mỹ

Trả lời: Xin trả lời thư bạn như sau, theo luật số 34/2009/QH12 ban hành năm 2009 về sửa đổi, bổ sung điều 126 của luật Nhà ở và điều 121 của luật Đất đai và nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23 .6.2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Nhà ở, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên và thuộc các đối tượng dưới đây thì có quyền sở hữu (không hạn chế số lượng nhà ở tại Việt Nam) thông qua hình thức mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở hoặc được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (đối với dự án tại các khu vực được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền theo quy định của pháp luật về đất đai) để người mua xây dựng nhà ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam:

1/ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, thì phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị; trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có một trong các giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam.

2/ Người gốc Việt Nam, thì phải có hộ chiếu nước ngoài kèm theo giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh có gốc Việt Nam, nhưng phải thuộc một trong các diện:

Người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

Người có công đóng góp với đất nước, bao gồm: người được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có giấy tờ chứng minh được hưởng chế độ ưu đãi do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; người có thành tích đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước được Chủ tịch Nước tặng thưởng huân chương, huy chương, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; người tham gia vào ban chấp hành các tổ chức chính trị – xã hội của Việt Nam; của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên được các tổ chức này xác nhận; người được bầu vào ban chấp hành Trung ương hội, người là nòng cốt các phong trào, tổ chức của kiều bào có quan hệ với trong nước và người có những đóng góp, giúp đỡ tích cực cho các cơ quan đại diện hoặc các hoạt động đối ngoại của Việt Nam ở nước ngoài được ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài xác nhận;

Nhà văn hoá, nhà khoa học, bao gồm: người được phong học hàm, học vị về khoa học, giáo dục, văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao của Việt Nam hoặc của nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế – xã hội đang làm việc tại Việt Nam. Các đối tượng này phải được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thủ trưởng các trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu của Việt Nam mời về làm chuyên gia, cộng tác viên, giảng dạy và có xác nhận của cơ quan, tổ chức mời về việc đối tượng này đang làm việc tại cơ quan, tổ chức đó;

Người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt có giấy xác nhận về chuyên môn, kỹ năng của hiệp hội, hội nghề nghiệp Việt Nam hoặc của cơ quan cấp Bộ phụ trách lĩnh vực chuyên môn, kỹ năng kèm theo giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (đối với trường hợp pháp luật yêu cầu phải có giấy phép hành nghề) hoặc Giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước có giấy tờ chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp kèm theo hộ khẩu thường trú và giấy chứng minh nhân dân của một bên vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở trong nước.

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam không thuộc các diện trên, nhưng được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu chỉ một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu(Theo bao SGTT)

Các tin cùng loại