Chậm cấp giấy hồng cho căn hộ chung cư: Vướng cách tính diện tích căn hộ

13 năm trước 08:41 13/04/2011
TT - Nhiều bạn đọc phản ảnh họ chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (giấy hồng) do nghị định 71 (hướng dẫn Luật nhà ở, có hiệu lực từ ngày 8-8-2010) quy định cách tính diện tích căn hộ khác với cách tính mà chủ đầu tư đã tính trong hợp đồng mua bán căn hộ với họ.
Nhiều người mua căn hộ tại chung cư Hoàng Anh 2 (Q.7, TP.HCM) chưa được cấp giấy hồng do vướng mắc trong cách tính diện tích căn hộ - Ảnh: D.N.Hà

Năm 2006, bà H. ký hợp đồng góp vốn mua một căn hộ của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh) trong dự án Hoàng Anh 2 (Q.7, TP.HCM). Theo hợp đồng, căn hộ có diện tích 107m2. Năm 2008, Công ty Hoàng Anh bàn giao nhà và ký lại hợp đồng mua bán nhà với bà H. cũng với diện tích 107m2.

Khác cách tính: chênh lệch 3,5% diện tích

Theo đại diện Công ty Hoàng Anh, công ty tính diện tích căn hộ để bán cho bà H. và nhiều khách hàng khác dựa theo thiết kế cơ sở của dự án.

Theo đó, diện tích nhà bao gồm: diện tích tường bao quanh, tim tường chung giữa hai căn hộ và bancông, sân phụ trong căn hộ. Đầu năm 2011, khi làm hồ sơ xin cấp giấy hồng cho các hộ dân trong dự án trên, Công ty Hoàng Anh được biết hồ sơ bị vướng mắc do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM) chưa thống nhất trong cách ghi diện tích nhà chung cư trên giấy hồng.

Theo quy định tại nghị định 71 nói trên, diện tích của căn hộ gồm: phần bên trong căn hộ, sân phụ bên trong căn hộ và bancông (không tính phần tường bao ngoài căn hộ). Tính theo cách này, diện tích của mỗi căn hộ trong dự án chung cư Hoàng Anh 2 giảm 1-2m2 so với diện tích công ty tính khi làm hợp đồng bán căn hộ cho khách hàng.

Bà H. cho rằng cũng như nhiều khách hàng khác, bà muốn được cấp giấy hồng cho căn hộ đã mua nhưng nếu tính theo quy định tại nghị định 71, diện tích căn hộ của bà chỉ được công nhận khoảng 105m2 trong giấy hồng. Như vậy tự nhiên bà bị mất đi khoảng 2m2 nhà đã bỏ tiền mua nên bà không đồng ý.

Tương tự, hàng trăm căn hộ ở các chung cư An Khang và Thịnh Vượng do Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà (Intresco) làm chủ đầu tư cũng đang gặp trở ngại trong việc làm giấy hồng do cơ quan cấp giấy hồng tính diện tích căn hộ theo nghị định 71. Theo đại diện Intresco, cùng một căn nhà nhưng diện tích bên trong căn hộ nhỏ hơn diện tích tính từ tim tường khoảng 3,5%. Như vậy nếu tính diện tích căn hộ theo nghị định 71, khách hàng mua căn hộ rộng 100m2 sẽ chỉ được cấp giấy hồng khoảng 96,5m2 (mất đi 3,5m2, trị giá gần 100 triệu đồng). Điều này có thể làm khách hàng khiếu nại.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đang giải quyết hồ sơ xin cấp giấy hồng của bảy dự án nhà chung cư và cũng gặp những vướng mắc tương tự.

Nên sửa nghị định 71?

Theo Công ty Hoàng Anh, cơ quan cấp giấy hồng áp dụng nghị định 71 để tính diện tích căn hộ trong trường hợp của chung cư Hoàng Anh 2 là chưa hợp lý. Vì hợp đồng góp vốn và hợp đồng mua bán nhà tại chung cư này đã ký kết trước khi nghị định 71 ban hành.

Thực tế, công ty đã bán căn hộ theo đúng diện tích thiết kế cơ sở của dự án, không cơi nới, không xây sai phép. Công ty Hoàng Anh kiến nghị được ghi diện tích căn hộ chung cư trong giấy hồng bằng diện tích ghi trong hợp đồng mua bán với khách hàng. Tương tự, Intresco cũng cho rằng nếu áp dụng theo cách tính diện tích bên trong căn hộ thì rất khó giải thích với khách hàng. Vì chủ căn hộ nào cũng muốn được ghi nhận trong giấy hồng toàn bộ diện tích nhà mà mình đã đặt cọc, góp vốn và bỏ tiền ra mua.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Quản lý đất đai vừa có hướng dẫn: diện tích nhà chung cư ghi trên giấy hồng xác định theo hợp đồng mua bán nhà ở nếu hợp đồng mua bán này phù hợp quy định pháp luật vào thời điểm ký kết. Nếu diện tích căn hộ bàn giao trên thực tế khác với hợp đồng mua bán thì xác định theo thực tế bàn giao. Hướng dẫn này đã kịp thời giải tỏa vướng mắc việc cấp giấy hồng cho nhiều dự án nhà chung cư.

Tuy nhiên, hướng dẫn trên mâu thuẫn với nghị định 71. Nghị định 71 quy định tường chung, tường bao... của căn hộ chung cư thuộc sở hữu chung, còn theo hướng dẫn trên nếu hợp đồng mua bán căn hộ xác định tường chung, tường bao căn hộ là sở hữu riêng thì được tính là sở hữu riêng của người mua căn hộ.

Nhiều người đặt vấn đề nếu công nhận quyền sở hữu nhà chung cư dựa trên công văn hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai thì có được các cơ quan pháp luật khác chấp nhận? Và khi có tranh chấp phần sở hữu riêng, chung ở chung cư thì người mua căn hộ có được pháp luật bảo vệ? Để khai thông việc cấp giấy hồng cho căn hộ chung cư, nhiều ý kiến đề nghị nên sửa đổi quy định về sở hữu nhà chung cư của nghị định 71.

Cụ thể, nên bỏ quy định tường chung, tường bao ngoài căn hộ thuộc sở hữu chung.

D.NGỌC HÀ(Theo báo Tuổi Trẻ)

Các tin cùng loại