Mua nhà đất dự án, tiền trao cháo không múc: Luật nào bảo vệ người mua?

13 năm trước 10:05 07/07/2011
SGTT.VN - Đã có nhiều vụ chủ đầu tư dự án nhà – đất chiếm dụng vốn trái luật của khách hàng xảy ra ở TP.HCM. Đã lâm vào cảnh đó, đoạn trường đi đòi lại số tiền bị chiếm dụng thật lắm gian truân. Một thực tế, dân kiện thì cứ kiện, chủ đầu tư vẫn vô can khi các chế tài trách nhiệm đối với kẻ chiếm dụng tiền bị pháp luật bỏ ngỏ...
Bị lừa bán nhà trên giấy nay những khách của dự án chung cư mini Vinacomlex 3 đang vất vả đòi lại tiền.

Tiền trao, cháo không múc

Mấy tháng nay, hàng chục người dân tham gia đóng tiền mua căn hộ chung cư mini Vinacomlex 3 do công ty TNHH tổ hợp Vina (công ty Vina) làm chủ đầu tư tại 622/38 đường Cộng Hoà, quận Tân Bình, TP.HCM đang phải gõ cửa các cơ quan chức năng nhằm đòi lại số tiền đã đóng. Đứng tên trong đơn tố cáo, khách hàng Lưu Thanh Tâm kể, giữa tháng 2.2011, công ty Vina phối hợp với công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HASG) tổ chức bán căn hộ thông qua hình thức góp vốn đầu tư dự án. Theo quảng bá, đây là “chung cư mini đầu tiên ở TP.HCM, quy mô chín tầng với 19 căn hộ, vị trí tiện lợi, giá cả hấp dẫn”. Nhiều khách hàng đã góp tiền mua với tổng số trên 5 tỉ đồng. Theo cam kết giữa chủ đầu tư và khách hàng, đến tháng 6.2011 sẽ bàn giao nhà. Tuy nhiên, khi thời hạn đã hết, khách hàng đến nhận nhà mới vỡ lẽ nơi dự kiến toà nhà sẽ mọc lên vẫn còn là bãi đất trống. Dự án nhiều khả năng sẽ không thể triển khai vì chủ đầu tư thiếu thủ tục pháp lý, hợp đồng uỷ quyền của công ty Vina với chủ khu đất nêu trên đã bị huỷ bỏ… Khi người mua đòi lại tiền, chủ đầu tư lần lửa mãi cho đến nay mới trả cho mỗi khách hàng 100 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, sở dĩ dự án không thể thực hiện được là do khu đất không thuộc quyền sử dụng của công ty Vina. Mặc dù thoả thuận về quyền sử dụng khu đất trên của chủ đất với công ty Vina đã bị huỷ bỏ, thế nhưng công ty Vina vẫn ký hợp đồng với các sàn giao dịch bất động sản nhằm bán căn hộ. Các khách hàng cho biết, sau nhiều lần đòi tiền không được, họ đã mang hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Tân Bình để tố cáo giám đốc công ty Vina. Tuy nhiên, phía công an Tân Bình cho rằng đây là vụ việc dân sự nên không tiếp nhận.

Một vụ khác, dự án khu dân cư Phước Kiển giai đoạn 3 (KDC Phước Kiển 3) đã bị UBND huyện Nhà Bè ra quyết định thu hồi từ năm 2008 do triển khai chậm. Tuy nhiên, trước khi bị thu hồi, chủ đầu tư của dự án này là công ty Vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông – chi nhánh phía Nam (thuộc bộ Giao thông vận tải) cũng đã kịp huy động vốn của hàng trăm khách hàng với số tiền khoảng 40 tỉ đồng. Sau nhiều năm gõ cửa cầu cứu các cơ quan chức năng để lấy lại số tiền đã góp nhưng không xong, nhiều khách hàng chỉ còn cách khởi kiện ra toà. Song cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được phân xử.

Tương tự, năm 2010 tại quận Tân Phú cũng vỡ lở dự án căn hộ cao cấp Montana của công ty cổ phần Ngân Thanh. Dự án này chưa xây xong móng nhưng đã thu tiền, rồi không xây cũng không trả tiền lại cho khách hàng. Lúc đó, chính quyền quận tuyên bố vào cuộc nhưng không giải quyết được. Khách hàng đành nộp đơn ra toà, nay, đã hơn một năm, chủ đầu tư mới trả lại một số tiền ít ỏi.

Hình sự: khó. Dân sự: thiệt!

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự, tình trạng công ty kinh doanh bất động sản bán căn hộ, nền đất cho khách hàng khi dự án chưa được phê duyệt, chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý và như vậy, dự án có khả năng không được phê duyệt sẽ khiến người mua phải đi đòi tiền lại và thậm chí không đòi lại được là khá phổ biến hiện nay. Bên cạnh việc vi phạm hành chính, chủ đầu tư còn vi phạm dân sự khi không trả tiền đúng hạn cho khách hàng. Một dấu hiệu nữa, theo điều 140 bộ luật Hình sự, kể cả trong trường hợp chủ đầu tư không bỏ trốn nhưng đã dùng tiền đó vào mục đích bất hợp pháp và sau đó không có khả năng trả nợ cũng sẽ cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Mục đích bất hợp pháp có thể là xây dựng trên các khu đất không được cấp chủ quyền, dự án không được phê duyệt để bán, cho thuê…

Với khách hàng, chỉ có thể yêu cầu chủ đầu tư bồi hoàn cho mình bằng hai con đường: một là khởi kiện ra toà giải quyết trực tiếp yêu cầu bồi hoàn nếu chủ đầu tư chỉ vi phạm pháp luật dân sự; hai là tố cáo ra cơ quan cảnh sát điều tra nếu chủ đầu tư có dấu hiệu hình sự, sau đó gửi đơn yêu cầu giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Khi khởi kiện dân sự, toà sẽ buộc chủ đầu tư phải hoàn trả tiền, nhưng chủ đầu tư không còn tài sản thì coi như khách hàng đã mất khoản tiền đó, bởi không có quy định về việc chịu trách nhiệm hay trả nợ thay.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Trường, trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trường nhận định, pháp luật về kinh doanh bất động sản quy định rất rõ ràng về thủ tục cũng như tiến độ dự án đến đâu thì bắt đầu được huy động vốn, được bán căn hộ. Thực tế, rất nhiều khách hàng không đòi lại được tiền nên làm đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, người tố cáo thường được trả lời không có dấu hiệu hình sự và hướng dẫn kiện ra toà đòi tiền.

Theo luật sư Trường, nếu chủ đầu tư bán một sản phẩm cho khách hàng mà biết rõ sản phẩm đó là bất hợp pháp nhằm chiếm dụng tiền người khác thì hành vi đó khả năng đủ yếu tố cấu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 của bộ luật Hình sự. Điều bất ổn duy nhất nằm ở chỗ: chủ đầu tư có làm dự án nhưng dự án đó không đúng thủ tục pháp lý. Đây là kẽ hở trong luật Việt Nam để một số người lợi dụng chiếm dụng vốn của người khác mà vẫn không bị xử lý hình sự.

Bài và ảnh: Tùng Quang(Theo báo SGTT)

Các tin cùng loại